CHÙA HƯƠNG và NHỮNG BÀI THƠ TÌNH NỔI TIẾNG
Phạm Tài Nguyên
Nguyên trưởng Ban Nghiệp vụ HNBVN
Hằng năm cứ đến độ tết đến, xuân về, người dân quê tôi lại bồi hồi ngóng đợi ngày khai hội chùa Hương vào mùng 6 tết. Vừa trông đợi vừa tự hào, bởi chùa Hương có 4 cái nhất: Ngoài việc, ngày xưa được Vua ban tặng: “Nam thiên đệ nhất động”, nơi đây còn là lễ hội dài nhất (kéo dài 3 tháng), người trong cả nước tới lễ hội đông nhất và ở đây có nhiều đò, ghe nhất, để chở du khách theo dòng suối Yến vào chùa. Riêng chúng tôi còn thấy một cái nhất nữa là từ xưa tới nay, chùa Hương có nhiều bài thơ tình, ý nhị, nổi tiếng nhất.
Đầu tiên phải kể đến bài thơ “Rau Sắng Chùa Hương” của Tản Đà. Đó là vào mùa xuân năm 1922, trong hoàn cảnh túng thiếu, ông không đi hội chùa Hương được, ngồi ở Hà Nội, nhớ hội chùa, nhớ rau Sắng (sản vật nổi tiếng ở chùa Hương), ông làm bài thơ tự tình:
Muốn ăn rau Sắng chùa Hương
Tiền đò ngại tốn, con đường ngại xa
Mình đi ta ở lại nhà
Cái dưa thì khú, cái cà thì thâm.
Bài thơ được đăng trên báo. Không ngờ ít ngày sau bỗng nhận được một bưu phẩm không đề của ai gửi. Mở ra xem thì thấy một bó rau Sắng chùa Hương còn tươi, kèm thêm mảnh giấy đề 4 câu thơ rằng:
Kính dâng rau Sắng chùa Hương
Tiền đò đỡ tốn, con đường đỡ xa
Không đi thì gửi lại nhà
Thay cho dưa khú cùng là cà thâm.
Ký tên: Đỗ Trang Nữ
Nhà thơ cảm động không biết món quà của ai. Với trí óc đầy mơ mộng, ông gọi ngay kẻ cho quà là “Người tình không quen biết” và làm bài thơ “cảm tạ tri ân” đăng lên báo. Nghe đâu mớ rau Sắng và mấy vần thơ trên là của Đỗ thị Khê, biệt hiệu Song Khê- một người hay làm thơ và rất mến phục Tản Đà, lúc ấy đang làm công tác y tế ở thị xã Phủ Lý (1).
Nhiều người còn nhớ mãi bài thơ nổi tiếng. Bài thơ dài (136 câu), điển hình cho phong trào thơ mới (1932- 1945) của Nguyễn Nhược Pháp về “Chùa Hương”. Bài thơ được viết theo thể ngũ ngôn, là thể thơ gần với lời ăn tiếng nói hằng ngày của người dân nhưng lại không tầm thường, dung tục. Nhân vật chính của bài thơ là một cô gái có nhan sắc nhưng còn ít tuổi và rất hồn nhiên: “Em tuy mới mười lăm/ Mà đã lắm người thăm/ Nhờ mối mai đưa tiếng/ Khen tươi như trăng rằm/ Nhưng em chưa lấy ai/ Vì thầy bảo người mai/ Rằng em còn bé lắm/ Ý đợi người tài trai”.
Trong chuyến đi chùa Hương năm ấy, cô gái đã gặp người “tài trai” khiến cô rung động: “Người đâu thanh lạ nhường/ Tướng mạo trông phi thường/ Lưng cao dài, trán rộng/ Hỏi ai người không thương?”
Cô gái trong bài thơ thể hiện rõ là con nhà gia giáo, thật thà mà ý tứ. Thoạt tiên cô còn giấu tình cảm của mình, song bố mẹ cô cùng đi chùa, cũng biết chàng trai là người có học, lễ phép, từ đó suốt cả hành trình thăm chùa chiền, hang động, đôi bạn trẻ đã có cớ để luôn gần nhau. Cô gái từ tâm lý ngại ngùng, giữ ý ban đầu: “Em đi, chàng theo sau/ Em không dám đi mau/ Ngại chàng chê hấp tấp/ Số gian nan không giàu”, ở phần kết bài thơ đã chuyển sang bạo dạn, công khai bộc lộ cảm xúc của mình: “Đường đây kia lên giời/ Ta bước tựa vai cười/ Yêu nhau, yêu nhau mãi/ Đi, ta đi, chàng ơi” và “Ngun ngút khói hương vàng/ Say trong giấc mơ màng/ Em cầu xin Giời Phật/ Sao cho em lấy chàng”. Chính sự chủ động trong việc tìm kiếm tình yêu của cô gái, khiến thi phẩm “chùa Hương” bứt lên khỏi một bài thơ kể chuyện bình thường, trở thành một khúc tình ca đầy mê đắm. Vì thế, dù bài thơ được tác giả sáng tác đến nay đã hơn 80 năm (từ năm 1934), song ngôn ngữ của nhân vật trong thơ, đọc lên vẫn cứ tươi mới, sinh động như không hề có dấu vết của thời gian (2).
Bài thơ “chùa Hương thiếu em” của Dương Trọng Dật đã được Tô Thanh Tùng phổ nhạc cũng là một bài thơ hay, giàu cảm xúc về mối tình của chàng thi sĩ nhớ mãi về thuở yêu đắm say cô gái trẻ, hồn nhiên có bím tóc “đuôi gà” khi đến lễ hội chùa Hương: “Tứ thơ ai đánh mất rồi/ Chùa Hương tản hội ngậm ngùi khói sương/ Nửa đời trở lại hành hương/ Muốn qua bến đục không đường sao qua/ Mơ chua, rau Sắng lại già/ Còn đâu bím tóc đuôi gà, còn đâu?”
Không còn bím tóc đuôi gà ở lễ hội chùa như năm xưa, chàng thi sĩ thấy nhớ nhung, bâng khuâng, trống vắng nhạt nhòa và bơ vơ chốn đông người: “ Thiếu em nắng bỗng nhạt màu/ Chùa tiên cơn gió lạc nhau vô tình/ Thiếu em Hương Tích rộng thênh/ Người chen vai vẫn thấy mình bơ vơ”. Dù thế nhưng chàng vẫn mong ước tới ngày lễ hội và khẳng định tình yêu là vĩnh hằng, như sự trường tồn của đất trời vậy: “Bao giờ cho đến bao giờ/ Hội chùa Hương để cho thơ tìm người/ Nam thiên nhất động đâu rồi?/ Ngàn năm chỉ có đất trời và em”. Bài thơ là một kỷ niệm đẹp và ý nhị, biểu hiện rõ nét sự nhớ nhung mãnh liệt của tình yêu.
Thời còn trẻ, chúng tôi cũng hay tới chùa Hương. Là học sinh cấp ba trường huyện Thanh Oai (ngoại thành Hà Nội), cách chùa Hương không xa, nên hằng năm cứ đến cuối thu là chúng tôi lại rủ nhau hứng khởi đạp xe đi vãn cảnh chùa. Đường tới chùa thật đẹp. Hai bên đường là bãi mía, nương dâu xanh ngắt một màu. Tới Bến Đục, nhưng nước trong veo. Người đi chùa hồi đó rất ít, đa phần là người già, chứ không đông đúc như bây giờ. Con thuyền nhỏ, khoan thai lướt trên suối Yến đưa chúng tôi vào Thiên Trù, rồi ngược đà núi lên chùa Hương Tích, thi thoảng mới gặp người cùng đi hoặc người ngược xuống, lúc gặp nhau tay để trước ngực, miệng đọc câu: A Di Đà Phật, một cách cung kính lễ phép. Đối với chúng tôi đường núi lên chùa thật thanh tịnh, linh thiêng, huyền bí, và tĩnh lặng, nghe được cả tiếng chuông, tiếng mõ đâu đó vẳng ngân, đúng như Chu Mạnh Trinh đã viết về chùa Hương:
Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái
Lững lờ khe nước, cá nghe Kinh.
Mãi sau này, chúng tôi mới biết, cảnh, tình chùa Hương đẹp như vậy, quyến rũ như thế, nên nơi đây đã có nhiều bài thơ tình nổi tiếng (mà vì sự hạn hẹp của bài báo, chỉ xin trích dẫn đôi ba bài thơ tình tiêu biểu) đó cũng là một điều dễ hiểu.
PTN
Chú dẫn:
(1)- Giai thoại văn học Việt Nam
(2)- Trích :Một “ca” đặc biệt của phong trào thơ mới của Phạm Khải.