Ngày 25/10/2018, Ban chấp hành Trung ương đã có Quy định về trách nhiệm nêu gương của Đảng. Bất giác, tôi lại nhớ đến một số nội dung bài viết của Bá Chức về tấm gương của người mẹ, xin được viết ra đây để chia sẻ cùng bạn đọc,nhân dịp bước sang năm mới- năm Kỷ hợi 2019.
Lịch sử đã công nhận thời Lê Thánh Tông làm Vua gần 38 năm ( 1460-1497 ) là thời kỳ chế độ phong kiến nước ta tiến lên giai đoạn toàn thịnh. Đó là thời Vua sáng, tôi hiền, xã tắc vững bền, dân sống yên vui, hạnh phúc. Có được như vậy, một phần quan trọng là do Vua biết nghe lời khuyên nhủ, dặn dò của người mẹ chăm lo thực hiện trọng trách của mình. Tấm gương cao quí sáng trong của người mẹ đã làm hình thành nên tính cách nổi bật của Vua hiền Lê Thánh Tông:
1- Chăm lo rèn luyện để có khả năng trị nước, yên dân. Ông đã từng viết:
“ Lòng vì thiên hạ những lo âu,
Thay việc trời dám trễ đâu
Trống dời canh còn đọc sách
Chiêng xế bóng chửa thôi chầu”.
Vì công việc, ông sẵn sàng bỏ những sở thích cá nhân, những mong muốn không cần thiết. Ông viết: “ Thanh tâm, quả dục, huyệt du điền” nghĩa là: lòng người trong sạch ít ham muốn, sẵn sàng bỏ việc vui chơi, săn bắn….Mong muốn của ông: “ Đế vương đại đại cực tinh nghiên, hoa di diệc lạc thái bình niên”. Nghĩa là: đạo đế vương đã nghiên cứu rất tinh tường, sao cho trong nước và các dân tộc láng giềng sống thanh bình.
2- Thương yêu nhân dân: là Vua nhưng luôn gần gũi những người dân lao động vất vả:
“ Chồng mang tấm lưới chặn dòng sâu
Vợ vác cần dài tới bến câu”
Trong dân gian còn truyền tụng nhiều chuyện ngày tết ông vi hành đi thăm những người dân nghèo khó. Ở một bài vịnh ông viết: “ Vì dân khoan giảm bên sưu thuế”. Đó là ý thức vì dân thực sự, có ý nghĩa tích cực đem lợi ích cho dân.
3- Trọng đãi người tài: Vua sáng phải có tôi hiền, nhiều người hiền tài không gặp được Vua sáng thì cũng không thi thố được tài năng. Có khi có tài lại bị rèm pha. Vì cấp trên sợ kẻ dưới hơn mình. Lê Thánh Tông càng có tài khi biết trọng đãi người tài. Ở bài thơ Quân đạo, ông viết: “ Sàng cầu tuần nghệ phu văn đức”. Nghĩa là: rộng tìm kẻ tài giỏi để ban bố văn đức.
Trong một kỳ thi, được mẹ nhắc phải trọng đãi người tài ông đã tự tay viết vào cờ tặng ba vị tam khôi:
“ Trạng nguyên Lương Thế Vinh
Bảng nhãn Nguyễn Đức Trinh
Thám hoa Quách Đình Bảo
Thiên hạ đều biết tên”…
4- Công minh sáng suốt : Đối với Vua, nếu không có phẩm chất này thì nhiều khi hỏng cả việc lớn. Sáng suốt, quyết đoán thì người có công sẽ được thưởng, người bị oan sẽ được giải oan. Nổi rõ nhất mặt này là việc ông minh oan cho Nguyễn Trãi. Chuyện oan khuất của Nguyễn Trãi xảy ra lúc ông còn thơ bé. Triều đình đã ghép tội cho Nguyễn Trãi: đó là tội giết Vua cha của mình. Nhưng không thể để việc sai sự thật tồn tại mãi, ông đã có cách để triều đình, trong đó có cả những người trước đây đã nghĩ sai về Nguyễn Trãi đồng tình minh oan cho Nguyễn Trãi. Thế là đến thời Lê Thánh Tông, việc oan khuất tày trời của Nguyễn Trãi đã được minh oan. Trong bài thơ Minh Lương (Vua sáng, tôi hiền), ông viết: “ Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo” tức là: “ Ức Trai lòng sáng tựa sao Khuê”.
Gia phả, truyền thuyết, văn bia còn ghi lại vai trò của người mẹ -Tấm gương sáng cho Vua Lê Thánh Tông. Đó là bà Ngô Thị Ngọc Dao – con của Diên Úy Dụ Vương Ngô Từ- một khai quốc công thần triều Lê, người ở Đồng Phan, Yên Định, Thanh Hóa nay là xã Định Hòa, huyện Thiệu Yên, tỉnh Thanh Hóa. Bà sinh năm 1421, khi trưởng thành được Vua cha Lê Thánh Tông chọn vào cung rồi bị kẻ xấu ganh tỵ vu oan, có thời phải chốn tránh rất khổ cực. Vì thế, nên giữ nếp sống rất thanh đạm kiệm cần, gần gũi nhân dân, học được nhiều điều tốt trong dân chúng. Bà sinh hai lần nhưng chỉ nuôi được có Lê Thánh Tông, nên từ lúc nhỏ đến khi làm Vua, bà thường xuyên giúp đỡ, mong cho con là người thực sự có tính cách tốt. Trước hết đó là sự gương mẫu. Bà luôn khiêm nhường lễ phép, giàu lòng chay Phật. văn bia còn ghi rõ tính cách của bà: “Không phải lẽ, không thèm làm, không chính đáng, không xử sự. Nghiêm mà không ác, bàn soạn mà có văn chương…”, vợ con kẻ nghèo khó bà chứa chấp, giúp đỡ. Bà luôn nhắc nhở Vua: “Lấy Kiệm cần giáo dục thiên hạ, lấy nhân hậu khuyên răn quan gia…”.
Đối với những lời khuyên răn ấy, Lê Thánh Tông từng nói: “Con yếu lắm, xin tuân lời mẹ dạy”. Thật là: “Phúc đức tại mẫu”, như câu tục ngữ đáng kính muôn đời của nhân dân ta.
Bình Nguyên
Minh Kha