Làng nằm ở giữa vùng đồng bằng Bắc Bộ, phía Bắc cách 15 km là trung tâm của Hà Nội, Thủ đô Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, phía đông cũng 15 km là dòng Sông Hồng cuộn chảy, đỏ nựng phù sa, con sông đã từng chứng kiến biết bao thăng trầm hàng nghìn năm của đất Việt. Phía tây ngay cạnh đường quốc lộ 21B và chỉ đi bộ 3 km là đến sông Đáy, xưa kia dòng nước xanh trong, bờ bãi trù phú, hai bên bờ nào vải, nào nhãn, rồi nương dâu kéo dài tít tắp từ Kinh Thành Thăng Long tới tận Chùa Hương . Sông Đáy xưa kia có phong cảnh thơ mộng, hữu tình, bây giờ khác rồi, ở những đoạn nước cạn có thể lội qua. Phía nam của Làng Minh Kha là đường 71, xưa là Đỗ Động giang, đến nay con sông không còn nữa, thay vào đó là cánh đồng phì nhiêu với hai vụ lúa. Người Việt cổ đã đến khai sinh lập nghiệp từ những năm trước Công nguyên trên mảnh đất này. Trước kia Minh Kha tên là xóm Hạ, sau thành thôn Hạ, Thôn Minh Kha. Từ năm 1810 đến 1819 là xã Minh Kha thuộc tổng Bảo Đà huyện Thanh Oai ( Triều nhà Nguyễn niên hiệu Gia Long ). Cách mạng Tháng Tám thành công 1945, đơn vị hành chính có một số thay đổi, bỏ hẳn đơn vị tổng, trong huyện chỉ còn cấp xã và thời kỳ này ba xã Sinh Liên, Sinh Quả và Minh Kha sáp nhập lại thành xã Tân Dân thuộc huyện Thanh Oai. Đến năm 1948 xã Tân Dân và xã Bình Đà hợp lại thành xã Hòa Bình . Minh Kha là đơn vị thôn trong xã Hòa Bình những năm này. Sau cải cách ruộng đất thành lập xã Bình Minh gồm bốn làng Bình Đà, Sinh Liên, Sinh Quả và làng Minh Kha. Trước năm 1954 làng Minh Kha có 3 giáp là giáp Chàng, giáp Đông, giáp Tây và 4 xóm, xóm Chàng, xóm Giếng, xóm Ngõ Dừa, và xóm Ngõ Cả. Xung quanh các xóm của làng được bao bọc bằng những lũy tre và hai cổng làng hàng tối đều được đóng khóa bảo vệ. Cộng đồng dân cư làng Minh Kha hiện nay có khoảng 15 dòng họ, Nguyễn Hữu, Nguyễn Kiêm, Nguyễn Kim, Nguyễn Sĩ, Nguyễn Văn, Bùi Văn, Bùi Khắc, Phạm Văn, Phạm Tài, Phạm Hữu, Trần Văn, Tạ Mạnh, Lê Tiến, Lý Xuân, Chu Văn ( trong đó họ Bùi là tộc họ đến định cư sớm nhất, họ Nguyễn Kiêm là dòng họ có số nhân khẩu lớn nhật, khoảng 300 đinh), làng có 1460 nhân khẩu, 410 hộ gia đình, chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa. Làng xưa kia có nghề phụ thêu ren, các nghệ nhân Minh Kha nổi danh một thời, từng đi đến các tỉnh như Hưng Yên, Hà Nam để dạy và mở làng nghề mới, khi nghề thêu ren còn đang trong thời hoàng kim, phát đạt. Minh Kha thời xưa cũng có nhiều thầy đồ dạy chữ nho, nhiều thầy thuốc chữa bệnh bằng thuốc nam chủ yếu cho nhân dân trong làng . Sau Năm 1954 với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp của dân tộc ta kết thúc thắng lợi , hòa bình lập lại, Miền Bắc đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, Thôn Minh Kha, Thôn Sinh Liên, Thôn Sinh Quả sáp nhập thành Hợp tác xã Minh Sinh từ 1956 - 1975, xây dựng qui mô kinh tế tập thể , sau này là Hợp tác xã của toàn xã Bình Minh từ 1975 tới nay. Thôn Minh Kha bây giờ vẫn là một địa phương chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa, trồng rau và chăn nuôi. Thôn cũng có nhiều người là nhà giáo, bác sĩ, kỹ sư, chuyên viên, quân đội, công an, cán bộ trung cao cấp, công tác ở khắp mọi miền đất nước.

Bản vẽ định hướng quy hoạch phát triển không gian nông thôn mới xã Bình Minh
- Diện tích đất tự nhiên khu dân cư là 111.227 m2 , tổng diện tích đất canh tác đến tháng 6 năm 2014 là 147 mẫu.
- Sản lượng nông nghiệp hiện nay thôn Minh Kha bình quân đạt khoảng 12 tấn/ha/năm.